Vân Đồn: Từ thương cảng “vang bóng một thời” đến tọa độ mới về phát triển kinh tế biển
Giữ vị trí chiến lược vùng Đông Bắc, sở hữu tài nguyên thiên nhiên độc đáo cùng những giá trị lịch sử hào hùng về một thương cảng sầm uất là kho tàng vô giá để Vân Đồn ngày nay không chỉ là một di tích, mà còn là một cực phát triển phồn hoa.

Huyện đảo Vân Đồn nằm phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh với diện tích tự nhiên hơn 550km², bao gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một vòng cung ôm trọn di sản thiên nhiên vịnh Bái Tử Long. Nằm tại cửa ngõ của vùng biển hiểm yếu, Vân Đồn được xem là có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp an ninh quốc phòng cũng như phát triển hàng hóa giao thương quốc tế vùng Đông Bắc Việt Nam.

Huyền thoại “thương cảng đệ nhất Đông Nam Á”

Được thành lập từ năm 1149 bởi vua Lý Anh Tông, Vân Đồn là thương cảng sớm nhất của nước ta đã góp phần vào sự phát triển chung của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, phải đến thời Trần, Vân Đồn mới thực sự phát triển mạnh mẽ, trở thành thương cảng lớn và có vị trí quan trọng nhất của Đại Việt.


Hoạt động buôn bán tại thương cảng cổ Vân Đồn . Ảnh: Tư liệu

Theo ghi chép của lịch sử, Vân Đồn nổi danh là thương cảng sầm uất, thịnh vượng bậc nhất khu vực Đông Nam Á trong chiều dài suốt 7 thế kỷ (từ thế kỷ XII đến XVIII), với sự tham gia của các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan...

Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: Kỷ Tỵ năm thứ 10 (đời vua Lý Anh Tông) mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nước Trà Oa, Lộ Hạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho tập trung ở nơi đảo gọi là Vân Đồn để mua bán hàng quý dâng hiến sản vật địa phương”. “Năm Trịnh Phú thứ 9 đời nhà Lý Cao Tông, thương nhân các nước Xiêm La, Tam Phật Tề vào trấn Vân Đồn dâng vật quý xin buôn bán”. “Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, nay “phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn”.

Những ghi ghép của lịch sử cho thấy từ xa xưa, Nhà nước Đại Việt và người dân bản địa đã biết khai thác, phát huy được thế mạnh của vùng biển Vân Đồn, mở ra thời kỳ phát triển kinh tế bằng đường biển cực kỳ tiềm năng. Các hoạt động giao lưu hàng hóa trong nước, quốc tế đã biến vùng biển đảo này thành khu dân cư đông đúc, trù phú, tạo đà cho kinh tế đất nước phát triển và góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá của cư dân nước Việt.

Mũi đột phá chiến lược

Trải qua thăng trầm lịch sử, Vân Đồn ngày nay vẫn được nhắc đến là một trong những vùng biển giàu tiềm năng bậc nhất Việt Nam. Cùng với Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) được Trung ương xác định là 3 KKT trọng điểm, 3 điểm đột phá phát triển Bắc - Trung - Nam của đất nước. Trong đó, Vân Đồn là KKT duy nhất duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang- một vành đai” kinh tế Việt - Trung, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.


Vân Đồn là một trong 2 mũi đột phá chiến lược, thúc đẩy tuyến hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Zing.vn

Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của Vân Đồn khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KKT Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh quy hoạch vào tháng 2/2020. Theo đó, Vân Đồn sẽ định hướng trở thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững.

Tổ chức không gian phát triển của Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025 xác định, Vân Đồn là một trong 2 mũi đột phá chiến lược, thúc đẩy tuyến hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh với nền tảng là chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, công nghệ cao và kinh tế biển…

Với vị trí chiến lược cùng các giá trị về văn hóa, lịch sử và lợi thế phát triển kinh tế biển, các chuyên gia đánh giá Vân Đồn giống như một viên ngọc thô quý giá cần được mài giũa để tỏa sáng, đưa nơi đây sánh ngang với những đặc khu kinh tế của Macau, HongKong, Singapore…

Lấy lại vị thế thịnh vượng 

Để hiện thực khát vọng đưa Vân Đồn vươn mình, trong những năm qua, Quảng Ninh xác định hệ thống cơ sở hạ tầng chính là một trong những lợi thế cạnh tranh chủ chốt.

Một trong những điểm nhấn đầu tiên trên bản đồ giao thông địa phương phải kể tới Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động từ cuối 2018, nối liền Vân Đồn với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn của cả nước. Từ Vân Đồn chỉ mất 1 - 2 giờ bay là đến các trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch của Trung Quốc và thủ đô của các nước trong khu vực Đông Nam Á và cũng chỉ từ 3-4 giờ bay là có thể đến Bắc Kinh (Trung Quốc), Seuol (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Dubai (UAE).

Vân Đồn hiện đang sở hữu hệ thống giao thông đường bộ hiện đại với tuyến đường cao tốc, đường bao biển dài, bao quanh với nhiều cảng du thuyền, cảng tàu khách... Mới nhất, công trình đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chiều dài trên 80km, quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h dự kiến cũng sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 02/09/2022. Cao tốc Vân Đồn – Móng cái được xem là “mảnh ghép” hoàn chỉnh trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh, gồm Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài gần 200 km, đóng vai trò là trục kết nối hai chiều giữa Vân Đồn với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tạo tiền đề phát triển bứt phá cho địa phương.


Cao tốc Vân Đồn – Móng cái được xem là “mảnh ghép” hoàn chỉnh tạo tiền đề phát triển bứt phá cho địa phương. Ảnh: Tiền Phong

Tận dụng thế mạnh vị trí và kinh nghiệm trong xây dựng thương cảng cổ của thế hệ trước, Vân Đồn cũng sở hữu các bến cảng hiện đại như: Cảng tàu khách Cái Rồng, Cảng tàu khách quốc tế Vân Đồn tại KĐT Ao Tiên dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022, đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và ra các tuyến đảo của huyện Vân Đồn, Cô Tô.

Với vai trò đi trước, mở đường, những "mạch máu" giao thông quan trọng này giúp thúc đẩy phát triển liên kết vùng, liên kết quốc tế và đánh thức tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, thương mại của Vân Đồn.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số vốn đầu tư các dự án nghỉ dưỡng và tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ cao cấp tại Vân Đồn đã lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Năm 2022, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn cũng đặt mục tiêu thu hút mới thêm khoảng 13 dự án với tổng vốn đầu tư gần 127 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD).

Những năm qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã về với Vân Đồn kéo theo những dự án, công trình tầm cỡ, là bước đệm quan trọng trong tiến trình đưa Vân Đồn chuyển mình trỗi dậy trở thành trung tâm công nghiệp giải trí, mang đến hình thái mới cho ngành du lịch khu vực và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng để thu hút du khách trong nước và quốc tế góp phần hoàn thành mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch đến với Khu kinh tế Vân Đồn mỗi năm.

Các nhà đầu tư khi đến với Vân Đồn đều bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng, trong tương lai không xa Vân Đồn sẽ là khu vực thịnh vượng trên tiêu chí xanh và bền vững, nơi hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích… Và Quảng Ninh không giấu diếm khát vọng, xây dựng Vân Đồn nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị khác biệt và các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Đưa Vân Đồn trở thành động lực kinh tế của Việt Nam, thành phố đáng sống với biểu tượng xanh – tri thức, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của Châu á Thái Bình Dương.  

Everland News

Ngày đăng: 24/08/2022
columns: