Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên phạm vi nghiên cứu toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn, Quảng Ninh với 2.171,33km2. Trong đó, diện tích tự nhiên là 581,83km2, diện tích vùng biển là 1.589,5km2.
Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.
Đến năm 2030, Vân Đồn có dân số khoảng 140.000-200.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 90.000-140.000 người, dân số quy đổi khoảng 50.000 – 60.000 người. Nhu cầu đất sử dụng khu chức năng khoảng 5.500ha. Đến năm 2040, dân số tăng lên khoảng 300 – 500.000 người, nhu cầu sử dụng đất khu chức năng 12.050ha.
Cấu trúc phát triển không gian khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hoá và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, thực hiện phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh.
Trước đó, ngày 27/12/2018, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKT Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng KKT Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh. Đồng thời, là trung tâm kinh tế và văn hoá của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ và các ngành nghề mới, công nghệ mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực.
Cụ thể, về kinh tế, mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018 là một trong những động lực phát triển quan trọng của KKT Vân Đồn.
Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến 2020, 2021 - 2025, 2026 - 2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%. Quy mô dân số tăng từ 52 nghìn người năm 2019 lên 140 nghìn người vào năm 2030. Đến năm 2030, tạo khoảng 89 nghìn việc làm, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sĩ/1 vạn dân và 03 dược sĩ/1 vạn dân…
Mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, phấn đấu là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ, thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên…
Quyết định cũng đưa ra định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể, như: đối với du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng về di sản thiên nhiên thế giới trong khu vực, di sản văn hóa truyền thống, tạo lập môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn kết hợp với xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ để phát triển ngành du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 170 nghìn người nước ngoài đến Vân Đồn.
Về dịch vụ hiện đại, KKT Vân Đồn sẽ tập trung phát triển và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không, đẩy mạnh phát triển ngành logistics để đưa Vân Đồn trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ chung chuyển hàng hoá vào khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Vân Đồn trở thành Trung tâm tài chính phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về công nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển một số ngành sử dụng công nghệ cao như y dược, sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin trong hệ thống sản xuất, công nghệ sử dụng nguyên liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng và môi trường…
Ngày 14/11/2019, Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý KKT Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã được ban hành.
Theo đó, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Vân Đồn. Hiện cơ cấu tổ chức, nhân sự của Ban vẫn đang trong quá trình sắp xếp, hoàn thiện.
Theo Báo Đầu tư