EU - một trong những nhà đầu tư FDI hàng đầu của Việt Nam - hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, chiếm khoảng 17% tổng xuất khẩu; thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản với khoảng 6%. Ngược lại, với EU, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 thế giới. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - nhận định, EVFTA được thực thi sẽ tác động mạnh đối với thương mại, đầu tư hai chiều; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng 20% trong năm 2020; 42,7% năm 2025 và 44,37% năm 2030.
Từ góc độ quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - EU, theo đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập, EU được coi là khu vực tiềm năng đối với ngành dịch vụ, du lịch Việt Nam. Nhận định này được chỉ dẫn dựa trên cơ sở thực tế: EU có công nghệ nguồn lớn, sức mua lớn thứ 2 thế giới; thống nhất về chính sách nhập cảnh, đơn vị tiền tệ, kết nối cơ sở hạ tầng trong nội khối; là trung tâm văn hóa thế giới, các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại. Ngoài ra, EU có 2,3 triệu doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ du lịch…
Đặc biệt, theo thống kê từ Trung tâm WTO và Hội nhập, hàng năm, EU có số lượng người đi du lịch lớn nhất trên thế giới. Năm 2017, khách EU chiếm 31,7% tổng lượng khách quốc tế toàn thế giới. Năm 2018, khách EU chiếm 45,8% tổng lượng khách quốc tế đến các nước đang phát triển với mức tăng trưởng 7,2%. Dự báo, lượng khách EU sẽ tiếp tục tăng 6% trong giai đoạn gần và trung bình khoảng 2 - 3% trong thập kỷ tới. Trong đó, thị trường khách dự báo tăng trưởng đáng kể là Ba Lan, Thụy Điển, Nga, Ý, Đức, Áo.
EVFTA đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam khai thác, triển khai hoạt động kinh doanh thông qua những cam kết, ưu đãi mở cửa thông thoáng đối với các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, đại lý du lịch, điều hành tour, dịch vụ hướng dẫn du lịch. "Với đặc thù của khu vực, sự hiện diện thương mại, thể nhân trong EVFTA, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để khai thác các thế mạnh thị trường, thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh hai chiều trong lĩnh vực du lịch" - bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.
Trong tình hình ngành du lịch đang bị khủng hoảng bởi dịch Covid-19, nhằm tận dụng thời gian bị nhàn rỗi, nhiều DN dịch vụ, du lịch Việt Nam rất quan tâm, chủ động tìm hiểu về EVFTA và đặt kỳ vọng hiệp định lịch sử này sẽ mang tới những tín hiệu lạc quan; hướng đi mới bền vững cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam. Tuy nhiên, để nhanh chóng đón đầu cơ hội từ EVFTA đối với lĩnh vực du lịch, theo khuyến cáo của các chuyên gia, DN cũng như cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ các cam kết giữa EU và Việt Nam dành cho nhau; nắm rõ một số đặc điểm về thể chế chung của EU cũng như chính sách riêng từ các nước thành viên đối với việc mở cửa, quản lý thị trường, yêu cầu quản lý văn hóa, quy tắc thương mại, dịch vụ; tìm hiểu văn hóa, nắm được thị hiếu, nhu cầu của thị trường khách EU để có định hướng chiến lược kinh doanh, xây dựng sản phẩm phù hợp.
Trao đổi khách du lịch hai chiều Việt Nam - EU tăng trưởng tích cực thời gian qua. EU là khu vực có sức hút lớn với khách du lịch Việt Nam nhờ lợi thế văn hóa, thiên nhiên, hạ tầng logistics, các dịch vụ hỗ trợ thuận lợi như bảo hiểm, ngân hàng. Ngược lại, Việt Nam đang là điểm đến xa được du khách EU yêu thích nhờ sự đa dạng, phong phú của văn hóa, cảnh quan tươi đẹp, con người thân thiện… |
Theo Báo Công thương