Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2020-2025: Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển
Trong hai ngày 13-14/8/2020, tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nhiệm kỳ 2020-2025 với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã dự và chỉ đạo Đại hội.

Về dự Đại hội có 259 đại biểu đại diện cho các Cấp ủy Đảng và gần 2.800 đảng viên của 72 Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ VHTTDL.

Tại Đại hội, Đồng chí Tạ Quang Đông, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã được Đại hội tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2020-2025.

Ra mắt Ban chấp hành Đảng bộ Bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2020-2025

Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành khóa mới do Tân Bí thư Đảng ủy Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì, với sự tham dự và chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Ban Chấp hành đã bầu ra 9 đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị cũng đã bầu Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và Đồng chí Nguyễn Tuấn Linh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Công đoàn Bộ làm Phó Bí thư Đảng ủy Bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, Hội nghị cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy gồm 7 đồng chí, do Đồng chí Phạm Cao Thái, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Thanh tra Bộ làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra.

Theo báo cáo tại Đại hội, trong 5 năm qua, trên thế giới, xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo. Thành tựu 35 năm đổi mới mang đến cho nước ta nhiều điều kiện thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được đảm bảo, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tham luận tại Đại hội

Bên cạnh đó, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp về an ninh chính trị, căng thẳng kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của Bộ VHTTDL, trong đó lĩnh vực du lịch, thể dục thể thao và nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong bối cảnh đó, với tinh thần chủ động, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đã phối hợp với Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ có nhiều đổi mới, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ VHTTDL hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tập trung phát triển du lịch với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển thể thao lên một tầm cao mới, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Trong lĩnh vực du lịch, Đảng ủy, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Tổng cục Du lịch trong nhiệm kỳ qua đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đáng chú ý, đã tham mưu trình Chính phủ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; trình Quốc hội thông qua Luật Du lịch sửa đổi; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Trong 5 năm qua, ngành Du lịch đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và nhảy vọt về quy mô cơ sở vật chất kỹ thuật, tốc độ tăng trưởng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, thu hút lực lượng lớn lao động trong xã hội, giúp cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp tỷ trọng cao vào GDP cả nước.

Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cùng các đại biểu thuộc Đảng bộ Tổng cục Du lịch tham dự Đại hội

Từ năm 2015 đến hết năm 2019, khách du lịch quốc tế tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình 22,7%/năm; khách du lịch nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình 10,5%/năm; tổng thu từ khách du lịch tăng từ 355 nghìn tỷ lên 755 nghìn tỷ, gấp hơn 2 lần với tốc độ tăng trung bình 19,3%/năm; đóng góp trực tiếp 9,2% GDP cả nước.

Ngành Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới, châu lục của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards). Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng đầu thế giới theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tăng 12 bậc trong 5 năm từ 2015 đến 2019.

Công tác quản lý nhà nước về lữ hành, hướng dẫn và lưu trú du lịch ngày càng được tăng cường. Số doanh nghiệp lữ hành, lưu trú tăng vượt bậc. Đến hết năm 2019, cả nước có trên 2.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên 27.000 hướng dẫn viên du lịch, 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 650.000 buồng.

Trong lĩnh vực văn hóa và gia đình, các khối nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; di sản, mỹ thuật, triển lãm; nghiên cứu, xuất bản, báo chí luôn tích cực, chủ động bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển ngành theo kế hoạch hàng năm, tăng cường xã hội hóa tạo thêm nguồn lực cho phát triển bền vững.

Cả nước hiện có 28 Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh (gồm 8 Di sản văn hóa vật thể, 13 Di sản văn hóa phi vật thể và 7 Di sản tư liệu); 301 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.498 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt; 168 bảo tàng, thường xuyên lưu trữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật. Các di sản văn hóa của Việt Nam đã đóng góp tích cực vào phát triển du lịch.

Hệ thống các quy định pháp luật về bản quyền tác giả và công nghiệp văn hóa được quan tâm chỉ đạo, từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực thi trong nước và hội nhập quốc tế. Các hoạt động văn học, nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo đã có những bước phát triển mới.

Cả nước hiện có hơn 21 triệu gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa, chiếm hơn 95% tổng số hộ gia đình. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đã triển khai và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Về lĩnh vực thể dục thể thao trong nhiệm kỳ qua đã phát triển vượt bậc đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực, ở một số môn thể thao Olympic thành tích được nâng cao, đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới. Đặc biệt, Bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa lịch sử trên đấu trường khu vực và quốc tế. Phong trào thể dục thể thao quẩn chúng được phát triển sâu rộng.

Công tác xây dựng đảng trong toàn Đảng bộ từng bước có chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; tinh thần đoàn kết và đổi mới được đề cao. Công tác chính trị tư tưởng, chất lượng sinh hoạt chi bộ, công tác kiểm tra giám sát, công tác dân vận, lãnh đạo đoàn thể quần chúng đều đạt vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Phương hướng trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban chấp hành Đảng bộ Bộ VHTTDL sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, quyết tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng.

Đối với lĩnh vực du lịch, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia đến năm 2030. Tập trung khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng nhanh và bền vững. Khai thác tài nguyên du lịch một cách hợp lý, theo hướng tăng trưởng xanh, thực thi các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên, môi trường góp phần phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Theo Trung tâm Thông tin du lịch

Ngày đăng: 18/08/2020
columns: