Theo STB, sân bay Changi (Singapore) sẽ triển khai các quầy làm thủ tục bay không tiếp xúc để hỗ trợ hành khách làm thủ tục và gửi hành hành lý mà không cần phải chạm vào các màn hình điện tử tại sân bay.
Tập đoàn Changi Airport (CAG) cho biết, hơn 160 quầy làm thủ tục tự động đặt tại Ga 1 và Ga 3 sẽ từng bước được nâng cấp với màn hình cảm ứng không tiếp xúc và cảm biến hồng ngoại để theo dõi chuyển động của ngón tay.
CAG cũng đang tiến hành thử nghiệm công nghệ hồng ngoại không tiếp xúc cho nút bấm thang máy. Ngoài ra, robot dọn dẹp tự động được trang bị thiết bị phun sương khử trùng trên thảm và sàn nhà, hay công nghệ ánh sáng LED cực tím (UV-C) đang được thử nghiệm để khử trùng tay vịn trên thang cuốn cho khách đi bộ.
Tại sân bay quốc tế Forth Worth ở Dallas (DFW - Mỹ), đơn vị quản lý đang phối hợp với hãng hàng không American Airlines để 'công nghệ hóa' các nhà vệ sinh công cộng.
Theo đó, các nhà vệ sinh tại sân bay DFW sẽ được trang bị bồn rửa tay có vòi cảm ứng, xà phòng, bồn cầu và hộp đựng giấy có gắn thiết bị cảm biến để cảnh báo nhân viên vệ sinh cung cấp thêm khi gần hết. Tất cả nhà vệ sinh công cộng tại DFW sẽ sử dụng toàn bộ thiết bị cảm ứng không chạm vào cuối tháng 7 này.
Ngoài ra, DFW còn tiến tới triển khai cơ chế hành khách tự làm thủ tục hành lý bằng công nghệ hiện đại nhằm giảm tối đa khả năng tiếp xúc giữa người với người, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tại Đức, sân bay quốc tế Frankfurt đã đưa vào hoạt động trung tâm dịch vụ xét nghiệm dành cho hành khách có nhu cầu, với kết quả được trả trong vài giờ. Trong thông báo, công ty công nghệ sinh học Centogene cho biết hành khách sẽ nhận được kết quả xét nghiệm thông qua một “nền tảng kỹ thuật số an toàn”.
Công nghệ cũng được áp dụng triệt để trong công việc nhập cảnh. Tại Singapore, cơ quan Kiểm soát Xuất nhập cảnh (ICA) đã nâng cấp các làn nhập cảnh tự động bằng hệ thống sinh trắc học mới, sử dụng nhận dạng khuôn mặt và công nghệ cảm biến mống mắt để xác minh danh tính thay vì quét vân tay truyền thống. Tương tự, DFW đã triển khai công nghệ sinh trắc học - nhận diện khuôn mặt cho các chuyến bay quốc tế.
Nối lại dịch vụ
Các hãng hàng không tại nhiều quốc gia từng bước nối lại dịch vụ sau khi các nước đang nỗ lực "hồi sinh" ngành du lịch để khôi phục nền kinh tế. Hãng hàng không Alitalia của Italy đã chính thức nối lại đường bay quốc tế từ Rome đến New York (Mỹ) từ ngày 3/6.
Tương tự, hãng hàng không Lufthansa lớn nhất của Đức cũng thông báo về việc bắt buộc đeo khẩu trang che miệng và mũi khi đi máy bay từ ngày 8/6. Quy định này ban đầu sẽ được áp dụng đối với Lufthansa, Eurowings, Lufthansa Cityline và sẽ kéo dài đến ngày 31/8. Lufthansa cho biết lợi nhuận ròng của hãng trong quý I/2020 đã giảm 2,1 tỷ Euro do đại dịch.
Tại Cyprus, các sân bay dự kiến sẽ hoạt động trở lại từ ngày 9/6 tới khi các chuyến bay kết nối với 19 quốc gia mà giới chức nước này đánh giá là tương đối an toàn có thể nối lại.
Cơ quan hàng không dân dụng của Thái Lan (CAAT) thông báo, sẽ tiến hành đàm phán với đại diện các hãng hàng không nhằm nối lại những chặng bay quốc tế sau thời gian dài đứt quãng vì dịch Covid-19
Một thị trường lớn khác là Ấn Độ, các hãng hàng không Vistara, IndiGo, AirAsia Indina, Air India, SpiceJet và GoAir,... đang được điều phối để khai thác trở lại những chặng bay nội địa, đảm bảo việc giãn cách xã hội theo quy định của Ấn Độ.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ngày 9/6 dự báo cuộc khủng hoảng dịch sẽ khiến ngành hàng không thế giới chịu mức thiệt hại kỷ lục 84 tỷ USD trong năm nay, và năm 2020 sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không".
Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac nhận định: “Triển vọng vẫn còn nhiều thách thức. Nhưng hàng không là một ngành công nghiệp kiên cường. Với cách tiếp cận hài hòa và các biện pháp khởi động lại được công nhận lẫn nhau trên toàn cầu, chúng tôi có thể xây dựng lại niềm tin của hành khách và khởi động sự phục hồi trong ngành hàng không và rộng hơn”.
Theo Vietnamnet