Chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật bằng những hành động cụ thể, thiết thực
“Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” tối 6/11.

Đại diện khối doanh nghiệp tham dự buổi lễ, Tập đoàn Everland cùng ngân hàng Vietcombank, Agribank… là các đơn vị đồng hỗ trợ truyền thông cho sự kiện đặc biệt này.

Thành công chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của công tác pháp luật

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết pháp luật; là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng đánh giá, qua 10 năm tổ chức, Ngày Pháp luật Việt Nam được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân quan tâm hưởng ứng, được lan tỏa sâu rộng. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thuận lợi; tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Những tiến bộ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của chúng ta được quốc tế ghi nhận.

Công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật đã thu hút được đông đảo người dân tham gia; các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp hay các chương trình, chuyên mục, trò chơi tìm hiểu pháp luật trên sóng phát thanh - truyền hình, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội… đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong thành công chung của đất nước ta thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác pháp luật. Trong đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết nhất.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Everland - ông Lê Đình Vinh (hàng 2 thứ 3 từ phải sang) chụp hình lưu niệm với Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tại buổi lễ.   

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận việc nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và đầu tư toàn diện cho xây dựng và phổ biến pháp luật chưa thật sự tương xứng; chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được hiệu ứng, tác động lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, kết quả còn hạn chế.

6 nhiệm vụ trọng tâm cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

Xuất phát từ những yêu cầu đó và đòi hỏi của thực tiễn, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; khẩn trương triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.

Tập trung đầu tư cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong ba đột phá chiến lược. Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, đây là hai mặt của một quá trình thống nhất. Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Hai là, chú trọng, đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật với phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng theo hướng truyền thông chính thống có nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt dư luận, nhất là giới trẻ. Đây là giải pháp quan trọng để thu hút sự quan tâm của nhân dân, trước hết là các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Ba là, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là chấp hành pháp luật. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, công khai, minh bạch.

Bốn là, công tác tổ chức thi hành pháp luật phải hướng về cơ sở. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN phải được chú trọng ngay từ cấp chính quyền gần dân nhất. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhân đây, Thủ tướng đề nghị và mong muốn mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, tuân thủ nghiêm pháp luật, vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng.

Giao lưu trên sân khấu giữa tập thể, cá nhân tiêu biểu trong 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và 10 năm thực hiện Luật PBGDPL năm 2012.

Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện pháp luật. Cung cấp đầy đủ các dịch vụ về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, hộ tịch... để hỗ trợ tối đa nhu cầu pháp luật của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Vận động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia hoạt động xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.

Sáu là, phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiên tiến để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật. Từ những hạt nhân nòng cốt này sẽ lan tỏa giá trị tích cực, củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng kêu gọi, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội.

“Việc xây dựng - phổ biến - thực thi - giám sát pháp luật được thực hiện tốt sẽ biến những giá trị văn hóa ấy thành nguồn lực quan trọng của quốc gia. Tôi mong rằng mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức tuân thủ pháp luật để xây dựng xã hội văn minh, lịch sự, sớm hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng và nhân dân ngày càng được ấm no và hạnh phúc”, Thủ tướng khẳng định.

Everland News (Theo Pháp luật Việt Nam)

Ngày đăng: 07/11/2022
columns: