5 YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC ĐẾN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI NĂM 2023
Thị trường bất động sản được các chuyên gia nhận định sẽ có những dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn từ cuối quý III-2023, khi những tháo gỡ về chính sách, pháp lý, nguồn vốn của Chính phủ dần phát huy tác dụng.  

Thu hút FDI đứng thứ 2

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đạt gần 450 tỷ USD; trong đó FDI vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.

"Hiện bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút FDI, xếp sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; trong đó, đã có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản…", ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội; trong đó, sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành bất động sản.
 

Đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng quan trọng sẽ tạo động lực cho các dự án BĐS.

Theo các chuyên gia, các dự án hạ tầng giao thông được đẩy mạnh triển khai sẽ tiếp tục tạo động lực cho các dự án BĐS; đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI tăng cao, mang đến cơ hội cho BĐS khu công nghiệp, các dự án nhà ở dân cư; những chính sách mới có hiệu lực giúp chuẩn hóa và minh bạch thị trường BĐS; cùng với đó là tiến trình đô thị hóa vẫn phát triển kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao...

Nhiều văn bản pháp luật quan trọng được hoàn thiện

Loạt chính sách tích cực được ban hành thời gian qua như: Nghị định 08 và Dự thảo Thông tư 16 (sửa đổi) gỡ khó cho thị trường trái phiếu; Quyết định 338/QĐ-TTg về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030; Nghị quyết 33 về giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững; Nghị định 10/NĐ-CP bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng… cũng đang tác động tích cực, tạo tiền đề cho sự khởi sắc của thị trường BĐS 2023 vào cuối năm.
 

Thị trường BĐS 2023 được phần lớn các chuyên gia nhận định sẽ khởi sắc vào cuối năm, khi những tháo gỡ về chính sách, pháp lý dần phát huy tác dụng.

VARS dự báo, nếu Nghị đinh 10 được thực thi, rất có thể cuối năm 2023 cả nguồn cung - cầu của phân khúc condotel sẽ chứng kiến cú lội ngược dòng ấn tượng.
Đặc biệt, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai và Luật Tổ chức tín dụng cũng đã được Quốc hội thảo luận nghiêm túc về các nội dung sửa đổi, bổ sung, dự kiến đến tháng 10/2023 này sẽ đồng loạt được thông qua, đây là một “cú hích” lớn trong việc tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý.

Tín dụng vào BĐS tăng

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 6, tín dụng tăng 4,73%. Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản (BĐS) trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Nhiều chuyên gia nhận định, có 2 chính sách rất quan trọng sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian tới. Một là gói hỗ trợ 120 ngàn tỷ đồng cho vay hỗ trợ với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất trên thị trường. Hai là việc giảm lãi suất. 

Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính – bất động sản Dat Xanh Services, khi lãi suất huy động được điều chỉnh về mức thấp (các ngân hàng lớn đã đưa lãi suất huy động về mức khoảng 6%/năm), hứa hẹn một phần tiền gửi đáo hạn sẽ được điều chuyển sang kênh đầu tư khác. Dự báo một phần dòng tiền này sẽ đi vào thị trường chứng khoán trước, sau đó sẽ quay lại thị trường BĐS, có thể vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024. Đây chính là dấu hiệu tích cực để kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường BĐS trong thời gian ngắn nhất…

Động lực từ làn sóng du lịch cuối năm

Theo số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 64 triệu lượt. Tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 5,6 triệu lượt, tăng gấp 9,3 lần so với cùng kỳ và đạt được 70% của mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế cả năm 2023.

Khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống là một trong những ngành có đóng góp tỷ trọng lớn với mức tăng 15,14% vào tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm. Cụ thể, khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.


 6 tháng đầu năm 2023 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 5,6 triệu lượt.

Tổng cục Du lịch nhận định, nhu cầu của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Do đó, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.

Đặc biệt, ngày 15/8 tới đây, chính sách kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần sẽ có hiệu lực. Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Những chính sách mới mang tính đột phá sẽ góp phần tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh cộng hưởng với xu hướng thị trường tích cực, ngành du lịch tin tưởng sẽ thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam, nhất là mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 9/2023.

Khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng cuối năm của ngành du lịch đang rất được kỳ vọng... Đây cũng là tín hiệu thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.


Tin tức tổng hợp
 

Ngày đăng: 20/07/2023
columns: