Phát triển Vân Đồn: Bảo tồn di tích thương cảng gắn với xây dựng đô thị biển đảo xanh
Kiến tạo các hành lang phát triển mới, tổ chức lại các không gian phát triển, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc nhằm đưa Khu kinh tế Vân Đồn sớm trở thành vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn” diễn ra ngày 24/9.

Thương cảng quốc tế

Vân Đồn nằm ở khu vực vịnh Bắc Bộ, thuộc vùng biển đảo Đông Bắc, là vịnh biển lớn của khu vực Đông Nam Á và châu Á giữ vị thế địa - kinh tế, địa - chiến lược hết sức quan trọng. Trong lịch sử, Vịnh Bắc Bộ, do tích hợp được những điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế và môi trường văn hoá phong phú, đã sớm hình thành nên nền văn hoá biển Hạ Long nổi tiếng.

Khi trang Vân Đồn được vua Lý Anh Tông (1009-1225) khai mở năm 1149, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá, thu thuế và căn cứ phòng vệ.


Hội thảo Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn. Ảnh: Thu Lê.

GS. TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: Vân Đồn là một thương cảng lớn, có vai trò kinh tế, chính trị quan trọng, đồng thời có quá trình phát triển liên tục, lâu dài nhất trong lịch sử các thương cảng của Việt Nam. Thương cảng này có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các cảng vùng cửa sông với vùng Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Yên, Cát Bà và các làng nghề dệt, gốm sứ cùng nhiều ngành nghề thủ công khác tập trung ở châu thổ sông Hồng.

Theo GS. TS Nguyễn Văn Kim, tính chất quốc tế của thương cảng Vân Đồn không chỉ được nhìn nhận ở vị trí trọng yếu mà còn được thể hiện ở vai trò của Vân Đồn trong các hoạt động kinh tế đối ngoại; ở sự hiện diện của nhiều tầng lớp thương nhân ngoại quốc và nhiều loại hàng hoá xuất đi nhập về có giá trị cao; và ở vai trò tập trung, điều phối, luân chuyển hàng hoá lồng kết với vai trò đầu mối giao bang của đất nước.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia cho biết, đối chiếu với nội hàm của khái niệm di tích và quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật Di sản Văn hoá, di tích lịch sử - văn hoá, thương cảng Vân Đồn đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một di tích lịch sử - văn hoá ở cấp quốc gia đặc biệt.

Phát triển khu kinh tế biển xanh

Tại hội thảo, các chuyên gia đều có chung nhận định, các phương án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn phải được đặt trong chủ trương và tầm nhìn tổng thể của Quảng Ninh, làm căn cứ cho công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển xanh mà tỉnh đang thực hiện và định hướng phát triển cảng biển Vân Đồn trong giai đoạn tới.

Đặc biệt, đặt thương cảng Vân Đồn trong bối cảnh không gian văn hoá của vịnh Bái Tử Long - một trong 7 vườn quốc gia của cả nước với hệ sinh thái đa dạng từ rừng tới biển giàu giá trị bảo tồn khoa học, Vân Đồn nhất thiết phải được tiếp cận từ góc nhìn của một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo gắn với cảng hàng không quốc tế và các loại dịch vụ cao cấp, dựa trên thế mạnh sẵn có về địa hình tự nhiên, hệ sinh thái biển đảo đa dạng, nền văn hoá bản địa và các cụm di tích lịch sử.

Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu đạt được trong thời gian qua, Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn” là một bước tiến mới, nhằm hướng đến những nhận thức khoa học ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về Thương cảng Vân Đồn và những đặc trưng, giá trị của một không gian văn hoá.


Các dự án được kỳ vọng góp phần xây dựng Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững.

Đồng thời, chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc kiến tạo các hành lang phát triển mới, tổ chức lại các không gian phát triển, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Đưa Khu kinh tế Vân Đồn - một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước.”

Những năm gần đây, tiềm năng của Vân Đồn đang được trỗi dậy mạnh mẽ cùng với quyết tâm chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu sang “xanh” của Quảng Ninh. Lựa chọn Vân Đồn là điểm đột phá cho phát triển, tỉnh đã và đang triển khai nhiều thể chế, chính sách đột phá về cả hạ tầng “cứng”, hạ tầng “mềm” thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hội tụ.

Sự “thay da đổi thịt” ngoạn mục của Vân Đồn trong khoảng 5 năm trở lại đây phải kể sự hiện diện của hàng loạt các công trình hạ tầng trọng điểm đi vào hoạt động như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; cải tạo, mở rộng cảng Cái Rồng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, và mới đây nhất là cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vừa chính thức thông xe vào đầu tháng 9…

Cùng với đó là các dự án động lực trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn đã được Quảng Ninh khởi công và đẩy mạnh triển khai trong năm 2022: Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn; Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn; Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – Phân khu 1; Cụm công nghiệp Vân Đồn.

Các dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế, góp phần xây dựng Vân Đồn trở thành KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững.

EverlandNews

Ngày đăng: 26/09/2022
columns: